Nối tiếp trong chuỗi series Giao tiếp kết nối trái tim. Tuần này sẽ tiếp tục với nội dung cách cảm thông và lắng nghe để tránh những xung đột không đáng có.
Ở các podcast trước chúng ta đã cùng nhau chia sẻ cách hiểu nhu cầu của bản thân, cách nói ra nhu cầu của bản thân. Còn để có thể cảm thông với người khác thì cần tập cách nhận biết nhu cầu cảm xúc của họ
Thử nhận biết nhu cầu cảm xúc của người khác
Trong khi giao tiếp đặc biệt là khi mâu thuẫn sắp xảy ra hãy cố gắng nhận biết nhu cầu cảm xúc của người khác. Cho dù việc nhận diện đó không chính xác đi nữa thì nó vẫn chứng tỏ rằng bạn coi trọng cảm xúc của họ và bạn đang dành thời gian để cố gắng kết nối với điều đang thực sự tồn tại bên trong họ.
Khi mà người kia nhận ra được sự quan tâm của bạn thì lúc đó mọi mâu thuẫn sẽ dễ dàng được giải quyết hơn là khi họ cảm thấy rằng bạn chỉ đang cố gắng giành chiến thắng trong cuộc tranh cãi.
Quay lại ví dụ về căn nhà bừa bộn trong các phần trước.
Khi trở về nhà thấy nhà cửa ngổn ngang, bạn đang nằm vắt chân lên ghế xem tivi ăn snack, có thể chồng bạn – một người nóng tính sẽ gắt lên “tại sao em suốt ngày để nhà cửa bừa bộn như vậy, em có biết anh đi làm về rất mệt mỏi không, cả ngày em ở nhà chả làm được việc gì cả”
Thường một vài phản ứng như sau của bạn sẽ gây thêm căng thẳng.
Một là bạn lờ đi, chả nói gì cả, tiếp tục tăng volumn tivi to hơn, hai là bạn cũng chẳng chịu thua “Anh gắt gì chứ, em vừa đi chợ rồi nấu cơm, ở nhà nhưng cũng có bao nhiêu deadline phải hoàn thành”
Lời qua tiếng lại, nếu lúc này nếu cả 2 đều cùng cố gắng tranh cãi xem ai đúng ai sai thì có thể từ chuyện dọn nhà sẽ dẫn đến những chuyện to tát hơn thế, rồi từ câu cằn nhằn sẽ trở thành một cuộc cãi vã nếu mà 2 người cùng cố gắng bảo vệ bản thân với lý lẽ riêng.
Thay vì thế, hãy tập cách lắng nghe và đoán xem đối phương đang có nhu cầu gì.
Khi bạn bắt đầu thử đặt mình vào vị trí của anh ấy và đoán “Có phải hôm nay anh thấy mệt không? Công ty có chuyện gì à”
Nếu vẫn còn tức giận thì anh ấy sẽ vẫn tiếp tục trút giận vào bạn “Đó là một phần thôi, nhưng anh đã nói với em bao nhiêu lần rồi, là đừng làm đâu vất đó ở đó, quần áo cần giặt thì cho vào giỏ, cứ vất lung tung khắp nhà”
Hóa ra đây mới là nhu cầu thực sự của anh ấy, rằng
“Nhu cầu thực sự của anh là anh cần được cảm thấy mình quan trọng, rằng nhu cầu và lời nói của anh được lắng nghe”
Khi bạn kìm cái phản ứng muốn tấn công và tự vệ trước thái độ nóng giận của anh ấy lại và hỏi anh ấy rằng “Có phải hôm nay anh thấy mệt không?” thì anh ấy sẽ bắt đầu cảm thấy dịu đi rất nhiều rồi vì hiểu rằng bạn đã bắt đầu quan sát, để tâm đến những gì anh ấy nói chứ không lờ đi hoặc là tranh cãi đúng sai và quyết giành phần thắng.
Hãy cứ thử đoán và nói ra một nhu cầu nào đó của đối phương mà bạn cho là đúng, việc bạn đoán đúng nhu cầu của người kia hay không thì cũng không quan trọng bằng việc bạn cho họ thấy rằng mình cũng đang tìm cách hiểu họ và cảm thông với họ.
Tuy nhiên thì việc này không dễ, trong hoàn cảnh cảm thấy bị tấn công chúng ta thường có phản ứng tự nhiên là bật chế độ phòng thủ, lúc này thì trong tâm trí chỉ có thể hiện lên hình ảnh rằng người kia sai, rằng thái độ của họ không đúng mực, cho dù họ có đang cố gắng bày tỏ nhu cầu gì của họ đi nữa, thì cũng ta cũng không thể nghe thấy.
Không có cách nào khác ngoài luyện tập và việc lắng nghe nhu cầu người khác chỉ có thể thực hiện được khi bạn có khả năng lắng nghe được chính nhu cầu của mình
Cũng như bạn sẽ không biết yêu người khác đúng cách khi bạn không biết yêu chính mình.
Và sự thực hành thì đều được bắt đầu từ việc tập quan sát bản thân, quan sát cơ thể như mình đã đề cập tới ở một vài podcast đầu.
Việc bạn để tâm đến nhu cầu của người khác chính là cách thể hiện sự quan tâm và cảm thông tốt và lắng nghe nhất dành cho họ.
Cảm thông và lắng nghe
Còn việc lắng nghe khi một ai đó tìm đến chúng ta để chia sẻ thì sao, lấy ví dụ một cô bạn thân của bạn mới thất tình, cô ấy khóc rất nhiều và tâm sự với bạn. Thường thì chúng ta sẽ ngồi nghe 1 lúc rồi bảo “Thôi đừng buồn nữa, mọi thứ sẽ ổn thôi í mà, giờ mày nên đi làm đẹp đi”
Hoặc với một style mạnh mẽ hơn chút thì chưa nghe hết lời kể lể của nó đã đập vai và bảo”Mày khóc cái gì, chuyện có thế thôi mà cũng ầm ĩ lên, nín đi rồi đá lẹ thằng đó ra khỏi cuộc đời”
Những lời an ủi rất quen thuộc đó gần như không có tác dụng gì với người nghe, họ sẽ cảm thấy bạn chỉ đang ngồi đó mà không thực sự hiện diện với họ, bạn đang nghe cho có, chờ cho câu chuyện nhanh nhanh kết thúc để rồi thể hiện cho họ thấy rằng nên làm gì, không nên làm gì mà không thực sự coi trọng điều đang tồn tại bên trong họ.
Đôi khi một người tìm đến chúng ta để tâm sự thì thực sự họ không cần giải pháp, mỗi người đều là master của cuộc đời chính mình rồi. Họ đơn thuần chỉ cần một sự cảm thông và hiện diện của người khác trong lúc đó thôi.
Điều tốt nhất có thể làm cho họ lúc đó là cho họ biết rằng họ không cô đơn, điều quý giá nhất bạn có thể mang tới đó là sự hiện diện hoàn toàn mà không phán xét cho dù điều gì đã xảy ra. Những câu như “em ở đây” “có anh đây rồi” sẽ mang lại cảm giác an tâm và quan trọng hơn nhiều lần một lời khuyên trong hoàn cảnh đó.
Series về giao tiếp kết nối trái tim tạm kết thúc ở đây, tuần sau mình sẽ quay lại với một chủ đề nào đó mới mẻ hơn nha. Hãy chia sẻ nếu bạn cảm thấy chủ đề này hữu ích.
Chúc các bạn luôn có được những mối quan hệ hòa hợp trong cuộc sống.