sự trì hoãn

[#21.Podcast] Vượt lên trên sự trì hoãn đang kéo bạn lại

Kênh Podcast – Hạnh phúc tròn xoe có mặt trên SpotifyApple Podcasts
  • Bạn có thời gian ôn thi 2 tuần, nhưng chỉ đến sát ngày thi bạn mới bắt đầu cuống lên học rồi lại cảm thấy không có đủ thời gian
  • Bạn muốn giỏi tiếng anh nhưng lại phân vân bây giờ học có muộn quá không, nên mua sách gì nhỉ, học ở trung tâm nào, rồi cuối cùng 1 năm, 2 năm trôi qua vẫn chưa bắt đầu học.
  • Bạn thích một người nhưng tự nhủ thôi từ từ để xem thế nào đã thế là cô ấy đi lấy chồng mất
  • Bạn đến công ty, bắt đầu công việc cần xong trong buổi sáng, nhưng sau đó lại đi pha café rồi ghé qua tám chuyện với đồng nghiệp chút đã.
  • Cả ngày bạn chạy qua chạy lại làm giúp những việc nho nhỏ mà đồng nghiệp nhờ thay vì thực hiện công việc quan trọng trong danh sách của bạn.

Nếu những ví dụ trên nghe có vẻ quen thì bạn hoàn toàn không đơn độc vì 95 % trong số chúng ta đều trì hoãn ở một mức độ nào đó. Tất cả những người thành công đều đã từng đấu tranh với sự trì hoãn tại một số thời điểm nhưng họ khác những người bình thường khác bởi họ biết cách vượt qua nó.

Sự chần chừ trong 1 số trường hợp sẽ giúp bạn chậm lại để cân nhắc vấn đề một cách cẩn thận hơn. Nhưng đa phần sự trì hoãn sẽ cản trở việc đạt được các mục tiêu nghề nghiệp và cá nhân của bạn, đồng thời đưa bạn vào một vòng luẩn quẩn của sự thất bại và tự ghét bản thân.

Vậy chắc các bạn cũng muốn tự thoát ra khỏi sự trì hoãn này để không phải tiếc nuối khi đánh mất các cơ hội rồi. Nhưng để vượt qua trì hoãn thì trước hết bạn cần tìm ra lý do TẠI SAO bản thân lại hay trì hoãn.

Lý do thứ nhất là vì chán, có thể bạn ghét làm một việc gì đó như là dọn nhà chẳng hạn nên qua lăng kính của bạn thì phòng bạn lúc nào cũng gọn gàng, đồ đạc để khắp nơi trông lại như một nghệ thuật sắp đặt ngẫu hứng khiến căn phòng đỡ trống trải chứ nó không giống cái ổ chuột như mẹ bạn nói.

Từ đó sinh ra sự trì hoãn, “thôi nay con bận lắm, mai con dọn” hoặc “cuối tuần tiện thể giặt đồ rồi con dọn luôn”. Hành động dọn nhà lập tức có lý do hợp lý để trì hoãn, nó khiến bạn không còn nhận thức được vấn đề để khắc phục.

Thứ hai là do không biết cách tổ chức công việc cũng có thể khiến bạn trì hoãn, bạn không xác định được việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau, cũng không đặt lịch để hoàn thành nên vô tình những việc quan trọng bạn lại để đến cuối và đi làm trước mấy việc chẳng cần thiết.

Hay đôi khi bạn trì hoãn vì nỗi sợ thất bại, bạn nghi ngờ về khả năng của bản thân nên luôn tìm cách thoái thác. Cảm giác thoải mái hơn khi làm những việc dễ mà mình biết chắc có thể hoàn thành. Mặc dù chẳng mấy vui vẻ với việc FA, nhưng nó có vẻ dễ dàng hơn hơn là chủ động mở lời với một ai đó vì sợ bị từ chối.

Nhưng ngược lại thì sự trì hoãn lại có thể đến từ nỗi sợ cả sự thành công. Nhiều người lo lắng rằng thành công khiến họ bị xa lánh, xa rời những mối quan hệ hiện tại, hoặc khi thành công ở nhiệm vụ nhỏ này họ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn..

Và một điều đáng ngạc nhiên nữa là người quá cầu toàn lại thường là người hay trì hoãn. Vì quá cầu toàn nên khả năng đưa ra quyết định kém, chưa biết sẽ phải làm gì thì sao có thể nhận lời cho được công việc sếp hỏi được, chưa suy nghĩ đủ thấu đáo thì chưa thể bắt tay vào làm, làm chưa đủ tốt thì chưa thể kết thúc.

Sự trì hoãn được nuôi dưỡng bởi sự nuông chiều bản thân khi chúng ta luôn cho phép mình được ở trong một hoàn cảnh thoải mái, ban đầu bạn trì hoãn với một vài việc vì một vài lý do như trên nhưng lâu dần nó sẽ trở thành một thói quen khiến bạn trì hoãn trong mọi việc.

Thói quen chỉ dừng lại khi bạn không cho nó có điều kiện được lặp lại liên tục trong cuộc sống của bạn, vì vậy hãy thử một vài cách sau xem sao nhé.

Trước hết thì nếu bạn đã từng vì lý do trì hoãn hay chần chừ khi đưa ra quyết định nào đó làm tuột mất cơ hội khiến bạn thấy nuối tiếc vô cùng thì hãy tự tha thứ cho bản thân, đừng để sự nuối tiếc đó dày vò mình. Vì nó rất có thể trở thành một nỗi đau khiến bạn lảng tránh các vấn đề tương tự.

Trước khi làm bất kì việc gì đó bạn hãy tập cho mình thói quen lên danh sách những việc phải làm và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên, việc nào quan trọng cần làm trước, việc gì ít quan trọng thì làm sau, sẵn sàng nói không với những việc không cần thiết. Còn nếu bạn đang trong tình trạng quá tải thì có thể cân nhắc nhờ sự hỗ trợ của người khác trong những việc mà không cần bạn phải trực tiếp thực hiện.

Và cũng luôn nhớ rằng cả bạn và người khác đều có quyền từ chối những lời nhờ vả không cấp bách trong khi công việc của chính mình còn chưa hoàn thành.

Một cách khác để tránh trì hoãn là hãy biến công việc thành niềm vui bằng cách chia công việc thành nhiều phần nhỏ, cái thì bạn thích thì làm trước, và kết hợp nó với một vài hoạt động thú vị khác. Ví dụ như bạn ghét dọn phòng, thì bạn có thể bắt đầu với chiếc giá sách là nơi bạn yêu thích, sắp xếp lại vài quyển sách theo đúng chủ đề, từ đó tạo đà cho bạn dọn tiếp những thứ khác. Bật một vài bài nhạc yêu thích lên vừa dọn dẹp vừa nhảy nhót.

Hoặc rủ mấy đứa bạn đến ăn uống bày bừa, ăn xong thì tiện cả lũ cùng nhau dọn dẹp luôn cho vui.

Đối với những việc bạn luôn lảng tránh làm hoặc có những việc mặc dù quan trọng nhưng bạn vẫn luôn để nó nằm trong dự định của bạn, thì hãy tự viết ra cho mình một kịch bản, rằng nếu bạn không thực hiện việc đó thì liệu điều gì tồi tệ sẽ xảy ra? Nếu bạn không học tiếng anh ngay bây giờ thì sẽ không thể tìm kiếm được công việc có mức thu nhập cao hơn, nếu hôm nay không đến điểm hẹn có thể bạn sẽ mãi mãi không gặp lại người quan trọng với bạn, nếu 10 năm nữa bạn vẫn tiếp tục sống như hiện tại thì liệu cuộc đời bạn sẽ ra sao.

Tất cả những viễn cảnh tương lai đó sẽ giúp bạn tăng động lực để thúc đẩy hành động ngay bây giờ của bạn, sự hình dung càng rõ nét và càng đau thì sự thúc đẩy bên trong bạn sẽ càng mạnh mẽ.

Và cuối cùng là hãy đặt ra mục tiêu và chia sẻ mục tiêu của bạn với người khác.

Bạn nên viết ra mục tiêu cho công việc đang bị trì hoãn của bạn và liệt kê 5-10 hành động giúp bạn đạt được mục tiêu đó. Hãy dán bảng mục tiêu lên trước bàn làm việc. Lời nhắc nhở đó sẽ giúp bạn luôn nhớ bạn cần làm gì, bạn cũng nên hãy cam kết với cấp trên, đồng nghiệp hay bạn bè của bạn về dự định hoàn thành của mình.

Nghiên cứu cho thấy rằng những người tự chịu trách nhiệm và cập nhật thông tin định kỳ cho người khác, có khả năng đạt được mục tiêu của họ cao gấp đôi so với việc âm thầm làm 1 mình. Việc cho người khác biết cũng là để họ có thể thúc đẩy bạn trở lại đúng hướng khi bạn cảm thấy chán nản với việc đang làm.

Hi vọng một vài chia sẻ trên đây, cũng từ kinh nghiệm cá nhân của mình sẽ giúp các bạn phần nào loại bỏ được sự trì hoãn ra khỏi cuộc sống.

Chúc các bạn luôn quyết đoán để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top