sự lười biếng

[#18.Podcast] Làm sao để thoát khỏi sự lười biếng


Kênh Podcast – Hạnh phúc tròn xoe có mặt trên SpotifyApple Podcasts

Có bao giờ bạn tự nhủ rằng mình cần cố gắng để hoàn thành công việc, để làm được nhiều thứ hơn cho đỡ lãng phí cuộc đời ngắn ngủi này nhưng rồi sự lười lại kéo bạn xuống giường và giữ chặt bạn lại, còn cái smartphone thì bám lấy bạn không chịu buông tha không?

Mình cũng có nhiều hôm hô quyết tâm nhưng đến cuối ngày lại tự nhủ, thôi nghỉ ngơi nốt hôm nay, ngày mai mình sẽ bắt đầu nỗ lực

Trông có vẻ cả ngày nghỉ ngơi không làm gì cả nhưng nhìn lại thì mình đã rất bận rộn lướt facebook này, rồi lên shopee coi đồ, không còn gì thì chuyển qua coi hài nhảm trên youtube, hoặc bí quá thì lên blog với kênh podcast đếm view tăng.

Xem thêm các bài viết về làm đẹp: 

Chăm sóc da tối giản hay xu hướng Skinimalism

Cách sử dụng máy nâng cơ mặt Zeus 2 tại nhà hiệu quả như ở Spa

Nguyên nhân gây ra sự lười biếng

Trong quá trình tìm kiếm động lực thì mình mới biết rằng một trong những thủ phạm gây ra sự lười chính là chất dopamine một loại hormone quan trọng và cũng là chất dẫn truyền thần kinh được sinh ra trong não bộ mỗi khi con người ta đạt được một mục tiêu hay phần thưởng nào đó.

Hormone này giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn và quan trọng là nó lại thôi thúc chúng ta hành động để được lặp lại cảm giác đó.

Bạn vẫn thấy hơi khó hiểu đúng không, dopamine kích thích thì có liên quan gì đến việc lười?

Thế này nha, đó là một cái vòng luẩn quẩn khi mà bạn định làm việc, nhưng lại bảo thôi lười quá nghỉ đã, thực tế là bạn không nghỉ mà rồi một sự thôi thúc khiến bạn cầm điện thoại lên vào lướt facebook xem youtube, bạn không thể đặt điện thoại xuống được rồi quay đi quay lại hết cả một ngày. Nghe vô lý nhưng lại hết sức thuyết phục

Bởi các nền tảng mạng xã hội hiện nay giống như một chất gây nghiện, chúng cho phép chúng ta kết nối không giới hạn, mọi lúc, mọi nơi, và hơn thế nữa nó thỏa mãn khát khao được công nhận chỉ đơn giản bằng những lượt like, thả tim hay những bình luận khen ngợi.

Hay nó cũng cho chúng ta cảm giác như khi bước vào “sòng bạc” chúng ta như những con bạc, tính toán xem viết gì,post gì thì hợp lòng cộng đồng mạng, rồi lại hồi hộp mong chờ sự phản hồi tích cực nhưng không đoán trước được kết quả nhận được là sự tán dương ủng hộ hay chỉ là sự thờ ơ.

Mỗi lần nhận được các kích thích mang tính phần thưởng như một thông báo mới, một tin nhắn, một lượt like trên tấm ảnh vừa post thì chúng đều kích hoạt cơ chế phần thưởng của não bộ và trở thành tác nhân giúp não giải phóng dopamine

Cơ chế phần thưởng của não bộ còn đặc biệt ở chỗ ngay cả khi không có phần thưởng thực sự, chỉ cần chúng ta nghĩ về đồ ngọt, hay chỉ cần nghe tiếng tin nhắn, nghĩ rằng người yêu nhắn tin thôi thì cũng có thể kích hoạt dopamine trong não của chúng ta rồi.

Vậy thực tế là chúng ta đâu có lười, chẳng qua là chúng ta đang chịu sự kích thích quá mức (overstimulation) gây ra bởi những tác nhân khiến não bộ sản sinh dopamine như là mạng xã hội, chơi game, mua sắm, phim ảnh…  mà thôi.

Cách để thoát khỏi sự lười biếng

Vậy để não không bị chi phối quá nhiều bởi các tác nhân đó thì có cách nào không? Đương nhiên là có chứ, có một khái niệm đó là “dopamine fasting” hay dịch là kiêng dopamine.

Theo tiến sĩ tâm lý học Cameron Sepah thì bản chất của liệu pháp dopamine fasting là “Tạm ngưng các hoạt động có khả năng kích thích não bộ tiết ra nhiều dopamine, nhờ đó não có thể nghỉ ngơi và tự hồi phục”. Việc tạm kiêng dopamine là cần thiết vì không có những khoảng nghỉ, thì chúng ta sẽ quen dần với trạng thái dopamine dâng cao và để đạt được sự thỏa mãn thì sẽ luôn đi tìm kiếm các kích thích ở mức độ cao hơn.

Tuy nhiên thì bạn không cần quá cực đoan khi tránh xa hoàn toàn khỏi mọi kích thích từ phim ảnh, đồ ăn, đến tương tác xã hội, mà chúng ta chỉ cần nhận biết và từ bỏ một vài hành vi có vấn đề như việc lướt fb, check mail liên tục ít nhất là một giờ mỗi ngày và tăng dần nó lên mà thôi

Thay vì sống nuông chiều theo sở thích của bản thân một cách vô thức thì bạn hãy bắt đầu với việc nhận diện những phản ứng và thói quen của mình để dừng nó lại.

Nhận diện các tác nhân gây tăng dopamine

Bắt đầu với việc nhận nhận diện thì có cách như sau, bạn có thể sử dụng 1 tờ giấy, một tấm bảng để đánh dấu lại mỗi khi bản thân bị mất tập trung vì những hành động theo thói quen gây hưng phấn như là liên tục check email, ngay lập tức vồ lấy điện thoại khi có tin nhắn hoặc thông báo nào đó, hay đang ngồi làm việc thì nghĩ đến đồ ăn và phải lập tức đứng lên đi lấy bánh ngọt.

Khi đánh dấu lại những hành động này bạn sẽ nhận thấy số lần bị phân tâm trong ngày của bạn cao không ngờ.

Khi bạn bắt đầu chú ý đến nó, mỗi ngày tự nhủ rằng bỏ qua nó đi, đừng làm gì cả, thì dần dần số lần bạn hành động theo sự thôi thúc đó sẽ giảm đi một chút.

Tránh xa khỏi những tác nhân gây kích thích

Hoặc như mình hay làm đó là mình để điện thoại ở một nơi xa tầm mắt trong khi đang làm việc, tắt tiếng chuông điện thoại để hạn chế nghe thấy thông báo, tắt thông báo của các ứng dụng không quan trọng, và xóa các ứng dụng dễ gây phân tâm ra khỏi màn hình hiển thị của điện thoại.

Còn đối với email mình sẽ đặt cho bản thân giới hạn rằng check email 1-2 lần 1 ngày vào một khung giờ cố định.

Đó là những cách bạn giúp não của bạn tránh xa được khỏi những tác nhân gây kích thích, để cho não được phục hồi. Và khi thời gian cùng với sự chú ý của bạn không bị giành giật bởi chúng thì bạn sẽ dễ dàng bắt đầu với công việc của mình.

Cho não một khoảng nghỉ

Tiếp theo đó, giả sử bây giờ bạn đã có thể vượt lười bước 1 tức là thoát được sự cám dỗ của chiếc giường, xa lánh được cái smartphone và ngồi được vào bàn.

Bạn làm việc được 1 lúc và bắt đầu cảm thấy công việc không hiệu quả, đừng cố ngồi lì tại bàn và nhìn chăm chăm vào màn hình, sự chán nản với việc đang làm rất dễ kéo bạn sa ngã để tìm đến những thú vui trên smartphone.

Khi này hãy dừng tất cả mọi thứ lại, đừng cho phép mình làm gì cả, tức là không có thiết bị giải trí, không có sách, không làm việc, không suy nghĩ, không có gì cả. Luyện tập cho mình những khoảng trống như vậy sẽ giúp bạn tăng mức độ tập trung hơn rất nhiều sau đó. Nó cũng không khác gì mấy so với việc ngồi thiền, nhưng nó không cần quá khắt khe như là ngồi khoanh chân 1 chỗ, hít thở và thả lỏng hoàn toàn, nó chỉ đơn giản là một khoảng nghỉ ngắn tầm 5-10’ mà bạn hoàn toàn không làm gì cả theo đúng nghĩa mà thôi.

Có mục tiêu rõ ràng hàng ngày

Tiếp theo đó chúng ta cần có những mục tiêu để đánh bại những cám dỗ đến từ sự kích thích quá mức kia. Nếu không có những mục tiêu được xác định rõ ràng, chúng ta sẽ rất dễ bị sa lầy vào những thú vui tiêu khiển vô bổ hàng ngày, và dần dần bị phụ thuộc vào chúng. Việc đặt ra mục tiêu sẽ giúp bạn luôn biết mình phải làm gì và cần làm gì tiếp theo.

Bạn không cần đưa ra mục tiêu 5 năm, 10 năm với một danh sách dài ngoằng, bạn chỉ cần đưa ra mục tiêu cho từng ngày với khoảng 3 đến 5 cái gạch đầu dòng và sắp xếp độ ưu tiên cho nó, việc nào quan trọng thì cần làm trước, việc nào sẽ làm sau.

Ưu tiên những việc quan trọng sẽ khiến bạn hào hứng, tập trung hơn và làm việc hiệu quả hơn, khi đã làm được những việc hiệu quả rồi thì bạn sẽ vui vẻ để tiếp tục hoàn thành những thứ còn lại.

Với 3 cách ở trên thì mình nghĩ có thể giúp bạn không những thoát lười mà còn làm việc năng suất hơn. Hãy nhớ rằng làm việc năng suất không phải là ôm đồm hết mọi thứ mà là lựa chọn việc quan trọng, có mục tiêu rõ ràng và buộc bản thân bạn dừng lại không làm gì cả khi bắt đầu thấy dấu hiệu của sự chán nản hay trì hoãn.

Và bạn cũng hãy lưu ý rằng dopamine là một hormone vô cùng quan trọng trong cơ thể, nhưng chúng ta cần tránh những tác nhân gây tăng dopamine như thuốc kích thích, mạng xã hội, đồ ăn nhanh.. bởi nó chỉ tạo ra một loại hạnh phúc nhân tạo và nó chi phối cuộc sống khiến chúng ta không những không dứt ra được mà còn luôn tìm kiếm một sự thỏa mãi cao hơn.

Chúc các bạn một tuần mới đầy hứng khởi, hẹn mọi người ở podcast tuần tiếp theo.

Mình cũng mới có thêm một kênh blog didecham.com về những trải nghiệm du lịch của mình. Hãy ghé thăm mình ở đó nhé

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top