ranh giới cảm xúc

[#7.Podcast] Tại sao thiết lập ranh giới cảm xúc lại quan trọng đến vậy


Kênh Podcast – Hạnh phúc tròn xoe có mặt trên SpotifyApple Podcasts

Ranh giới cảm xúc có thể là một khái niệm khá xa lạ với bạn.

Thậm chí trong các gia đình Việt Nam còn không được phép thiết lập ranh giới, quyền riêng tư là thứ không tồn tại ví dụ như cửa phòng thì phải luôn mở để bố mẹ đi qua còn biết con có đang học hay đang chơi, quần áo hay kiểu tóc phải để như thế nào để không bị người ngoài đánh giá, nếu đang tuổi đi học mà dính vào yêu đương thì phải dừng ngay vì thời gian đâu mà học.

Lớn lên khi không có ranh giới cho bản thân thì bạn lại chạy theo những quy chuẩn của xã hội, bạn thiếu đi cá tính riêng, rồi đến tuổi thì phải lấy chồng, đi làm một công việc ổn định do bố mẹ sắp xếp, và đặc biệt là sống với quan điểm “phụ nữ phải hi sinh”.

Còn nếu bạn muốn làm khác đi thì hãy chuẩn bị tinh thần để đối mặt với vô số “lời ra tiếng vào”.

Càng là người thân người quen thì lại càng tự cho mình cái quyền được “quan tâm” theo cách hỏi “lương bao nhiêu” “lấy chồng đi” “dạo này béo thế” “ăn mặc xấu thế này”.

Có thể bạn không bao giờ để ý, nhưng cuộc đời của bạn như thế nào phụ thuộc rất lớn vào suy nghĩ, cảm xúc của bạn mà những suy nghĩ và cảm xúc đó phần nhiều bị tác động bởi lời nói và hành động của những người xung quanh. Đo đó việc hiểu bản thân và vạch ra ranh giới cho chính mình là điều cần thiết.

Ranh giới cảm xúc là gì

Một quốc gia luôn có ranh giới lãnh thổ để bảo vệ chủ quyền, cơ thể chúng ta cũng có những giới hạn chúng ta đề ra để người lạ không được phép chạm tới. Còn cảm xúc thì càng cần có ranh giới hơn nữa nhưng nhiều người chưa biết được điều này và thường xuyên để người khác xâm phạm vào ranh giới đó khiến tinh thần của mình bị tổn hại, nhận về 1 mớ tâm trạng hỗn độn.

Ranh giới cơ thể sẽ dễ nhận ra hơn 1 chút, cái này tùy thuộc vào văn hóa từng vùng hoặc vào cảm giác của cá nhân.

Ví dụ như ở các nước châu âu thì ôm là một cách thể hiện tình cảm hết sức bình thường, ban đầu mới sang mình cảm thấy khá gượng gạo, nhưng sau 1 thời gian thì mình đã quen dần và mở lòng hơn với cách thể hiện tình cảm hết sức thông thường của các bạn phương Tây.

Khi về VN, quay lại với nền văn hóa phương Đông và quay lại với giới hạn của riêng mình thì mình không thoải mái thậm chí khó chịu với các động chạm cơ thể với những đối tượng không có mối quan hệ tình cảm đặc biệt và mình không cảm thấy an toàn, tin tưởng.

Nếu như ranh giới của cơ thể là một thứ hữu hình thì ranh giới cảm xúc là những giới hạn về cảm xúc mà chúng ta đặt ra để bảo vệ bản thân khỏi việc bị thao túng, xâm phạm bởi người khác.

Là việc vạch ra những điều thích và không thích, và thiết lập khoảng cách mà chúng ta cho phép người khác đối xử với mình trong giới hạn không khiến chúng ta bị tổn thương.

Mỗi người và trong mỗi mối quan hệ, chúng ta lại có những ranh giới riêng. Nhận ra bạn xứng đáng với điều gì và xứng đáng được đối xử ra sao tạo ra ranh giới cảm xúc và tinh thần của bạn.

Xác định ranh giới cảm xúc như thế nào?

Bạn sẽ ý thức được ranh giới cơ thể khi chạm và được chạm, sự chạm vật lý dừng ở đâu khiến bạn thấy không thoải mái thì bạn biết ranh giới cơ thể ở đó.

Ranh giới cảm xúc cũng như vậy. Khi người khác nói hay làm điều gì chạm đến ranh giới cảm xúc của bạn, bạn sẽ cảm thấy các cảm xúc tiêu cực như buồn, sợ hãi, giận dữ, bất an, bạn biết đó là dấu hiệu cho thấy ranh giới đang bị xâm phạm và bạn cũng biết đó là khi cần chia sẻ cho người khác về ranh giới của mình.

Nhưng thường chúng ta sẽ lờ đi cảm nhận của chính mình, thường xuyên để người khác xâm phạm vào ranh giới đó bằng cách nhẫn nhịn, cho qua, không phản kháng. Vì sợ bị bỏ rơi, sợ người khác đánh giá, mà chúng ta thường tự nói với mình theo hướng bênh vực người xâm hại chúng ta, và ép mình làm theo yêu cầu của họ.

Càng ép bản thân phải nhẫn nhịn làm những điều mình không muốn chúng ta càng trở nên cáu giận với bản thân và với người khác. Việc cố gắng đàn áp cảm xúc của mình và cho phép người khác xâm phạm ranh giới cũng giống như việc bạn dùng vật sắc nhọn cứa lên lớp da (ranh giới bảo vệ cơ thể).

Càng ngày càng thêm nhiều vết thương chồng lên nhau, qua đi cảm giác đau đớn chúng ta trở nên chai sạn, vô cảm, không còn hồn nhiên và sống động.

Thiết lập ranh giới cảm xúc

Thời gian đầu khi mới thiết lập ranh giới cho riêng mình, có thể cả bạn và người xung quanh sẽ cảm thấy không thoải mái.

Ví dụ cuối tuần nào dự án của bạn cũng rủ đi nhậu, trong khi bạn cảm thấy việc uống bia rượu khiến cơ thể bạn không khỏe mạnh, bạn quyết định trốn về sớm và từ chối cuộc vui đó, bạn cảm thấy nhẹ nhõm cho dù đồng nghiệp có thể chê bai, thậm chí có người đánh giá bạn không hòa đồng.

Nhưng thực tế bạn vẫn hoàn thành tốt công việc, vui vẻ giúp đỡ mọi người, đóng góp tích cực vào các hoạt động lành mạnh của công ty thì dần dần mọi người chẳng còn để ý nữa. Đó cũng là yếu tố đầu tiên trong việc thiết lập ranh giới cảm xúc – biết nói không với những thứ có hại với cơ thể.

Mẹ bạn than thở về những người đã từng không tốt với mẹ, câu chuyện lặp lại, bạn đã phải nghe khá nhiều trong suốt quá trình lớn lên, mà mỗi lần nghe bạn cảm thấy căng thẳng, nhưng chưa bao giờ dám bảo mẹ dừng lại, đó là cảm xúc tinh thần của bạn bị xâm hại.

Hãy nhẹ nhàng nói con rất hiểu những khó khăn mẹ đã trải qua nhưng câu chuyện đó là quá khứ rồi, con cảm thấy căng thẳng mỗi khi nghe lại câu chuyện này, con muốn chúng ta cùng nhìn vào những gì đang xảy ở hiện tại, những điều tốt đẹp mà họ đang làm cho chúng ta thay vì nhớ lại những tình huống không hay nhiều năm trước. Hãy biết nói không với những cảm xúc tiêu cực mà người khác trút lên mình.

Hãy thẳng thắn nói “Tôi không thoải mái” khi người khác sử dụng từ ngữ body shaming để miệt thị ngoại hình bạn.

Sẵn sàng bước ra khỏi một mối quan hệ khi ngay khi bạn nhận ra người kia không yêu bạn đó cũng là 1 ranh giới cảm xúc.

Yêu bản thân là biết mình xứng đáng được đối xử như thế nào, dõng dạc tuyên bố và sẵn sàng từ chối khi ai đó vượt qua ranh giới cảm xúc và tinh thần của bạn.

 

Hi vọng sau Podcast này các bạn có thể nhận diện và tự thiết lập cho mình một ranh giới cảm xúc riêng, việc có ranh giới cảm xúc hoàn toàn không khiến bạn thu mình và cô lập với thế giới, nó giúp bạn có thể mở lòng, sống hết mình, yêu thương hết mình mà không sợ tổn thương.

Hãy ghé qua blog hanhphuctronxoe.com của chúng mình để cập nhật thêm những bài viết khác nhé.

Nếu bạn yêu thích nội dung này, đừng quên chia sẻ với những người bạn gái yêu thương của mình nha. Mình luôn ở đây đồng hành cùng các bạn để chúng ta có cuộc sống cân bằng, hạnh phúc hơn. Hãy để lại comment để giúp bọn mình hoàn thiện kênh mỗi ngày nhé .

Chúc các bạn có một cuộc sống tích cực hơn mỗi ngày.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top