đưa ra lời đề nghị

[#16.Podcast] Giao tiếp kết nối trái tim – [P3] Đưa ra lời đề nghị

Kênh Podcast – Hạnh phúc tròn xoe có mặt trên SpotifyApple Podcasts

Nối tiếp trong chuỗi series Ngôn ngữ kết nối trái tim, trong tuần trước chúng ta đã đi được 1 phần nội dung “Cách thể hiện nhu cầu”. Một vài nội dung đáng chú ý khi nói ra nhu cầu đó là không quy trách nhiệm về cảm xúc của mình cho người khác và phân biệt giữa nhu cầu và ý muốn.

Tuần này sẽ nối tiếp với nội dung thể hiện nhu cầu và cách đưa ra lời đề nghị với đối phương mà họ không cảm thấy bị ép buộc.

Trước khi đưa ra lời đề nghị hay mong muốn, yêu cầu với người khác, trước hết bạn cần biết rõ nhu cầu thực sự bên trong mình là gì, thì khi lời đề nghị của bạn được đáp ứng bạn mới thực sự cảm thấy thoải mái, vui vẻ.

Để biết cách xác định nhu cầu và cách nói ra nhu cầu của mình thì bạn có thể xem lại podcast số 15 nhá

Chỉ nói ra nhu cầu của bản thân mà không nhắc gì đến người khác

Có một điều cần lưu ý đó là khi nói ra nhu cầu thì bạn tuyệt đối không nên nhắc gì đến người kia, hãy hiểu rằng nhu cầu là điều xuất phát từ bản thân bạn, từ sâu thẳm bên trong bạn, từ cảm giác thiếu thốn của chính bạn chứ nó không phải do người khác tác động vào hay do họ gây ra.

Bạn không nên đưa người kia vào trong câu bạn nói ra nhu cầu bởi như thế bởi vì nó làm trộn lẫn nhu cầu và ý muốn, nhu cầu và ý muốn mình cũng đã phân biệt trong podcast tuần trước.

Luôn nhớ rằng hãy chỉ nói ra nhu cầu của bạn mà không nhắc gì đến người kia.

Ví dụ khi bạn nói: “Em muốn anh phải quan tâm và bảo vệ em”. Thì đó là chúng ta đã kéo người khác vào, trong khi nhu cầu là điều xuất phát từ chính chúng ta, hạnh phúc thực sự chỉ có thể có được từ chính bản thân mình chứ không thể đòi hỏi từ người khác.

Khi đưa người khác vào trong câu nói thể hiện nhu cầu thì một cách nào đó bạn đang thể hiện sự đòi hỏi, và nó đặt lên họ một áp lực là phải đáp ứng.

Vậy làm sao để chúng ta bày tỏ nhu cầu mà không được người khác vào? Nó chỉ đơn giản là bạn đảo lại câu “Em muốn anh phải quan tâm và bảo vệ em” thành câu “Em muốn được quan tâm em cũng muốn có cảm giác an toàn” trong câu t2 này, đó hoàn toàn là nhu cầu của cá nhân bạn. Đó chỉ là nhu cầu của riêng em, anh không thể cho em cảm giác đó cũng không sao.

Nếu đó là sự quan tâm và cảm giác an toàn là những giá trị bạn coi trọng nhất trong một mối quan hệ, bạn có thể lựa chọn bước đi, còn nếu không phải quá quan trọng thì bạn có thể tập cách để tự quan tâm và chăm sóc chính mình.

Nhưng mà nói nhỏ cho các bạn trai hay anh chồng có đang nghe podcast, nếu mà không thể mang đến cho người phụ nữ của mình được sự quan tâm và cảm giác an toàn thì rất có thể sẽ có người khác làm thay đó.

Nói ra nhu cầu một cách rõ ràng, cụ thể

Lưu ý thứ 2 là khi nói ra nhu cầu và đề nghị phải hết sức rõ ràng, trước hết bạn phải hiểu mình đã thì bạn mới mong người khác hiểu và chia sẻ được.

Nhưng có 1 nghịch lý là rất nhiều người không biết mình muốn gì nhưng luôn đòi hỏi người yêu mình phải tự quan sát, tự hiểu cho dù mình không nói ra.

– Em muốn ăn gì?

– Em ăn gì cũng được

– Ăn phở nhé?

– Thôi phở béo lắm

– Ăn gà rán nhé?

– Thôi toàn dầu mỡ

Hoặc một câu các bạn nữ hay hỏi nữa là:

– Anh có yêu em không?

– Có anh yêu em chứ

– Thế mà em chả thấy như vậy

Vậy thì điều bạn cần trong tình yêu là gì? vì mỗi người có nhu cầu cảm nhận tình yêu khác nhau, có người thì là phải luôn được nghe những lời ngọt ngào mỗi ngày mới cảm giác được yêu, có người thì họ cảm nhận bằng hành động của đối phương, cũng có người phải tặng hoa tặng quà họ mới thích.

Cách bạn mong muốn nhận được trong tình yêu là gì? Nhu cầu thực sự của bạn là gì thì hãy chia sẻ thẳng thắn, một cách rõ ràng và cụ thể với đối phương

Nói thẳng ra cái mình muốn chứ không phải điều mình không muốn

Và điều thứ 3 trong giao tiếp khi nói ra nhu cầu và đề nghị, chúng ta thường mắc 1 lỗi sai đó là không nói thẳng ra cái mình muốn mà thường nói cái mình không muốn.

Ví dụ như “Em không muốn anh dành quá nhiều thời gian cho công việc” Nhưng điều bạn muốn thực sự ở đây không phải là anh ấy không làm việc nữa, anh ấy yêu công việc cũng chả sao, cái bạn cần là anh ấy dành thời gian nhiều hơn cho bạn, tại sao bạn không nói rằng “em muốn được quan tâm nhiều hơn”

Khi đưa ra lời đề nghị hãy nói bằng ngôn ngữ hành động

Đó là câu đưa ra nhu cầu, nhưng khi chuyển thành lời đề nghị chúng ta cần nói ngôn ngữ hành động. chúng ta cần phải đưa ra những lời đề nghị hết sức cụ thể rằng bạn muốn người kia làm điều gì đó để đáp ứng nhu cầu của bạn.

Quay lại ví dụ “em muốn được quan tâm nhiều hơn” cụ thể là bạn muốn ngày cuối tuần 2 người có thể đi chơi với nhau, Hay trong khi ở cạnh bạn thì anh ấy hoàn toàn hiện diện với bạn, không thường xuyên mở dth ra check tin nhắn công việc. Hay cho dù bận rộn anh ấy cũng không quên nhắn tin chủ động hỏi thăm bạn. Thì hãy cho anh ấy biết tất cả những điều đó.

Khác biệt giữa lời đề nghị và yêu cầu

Nhưng lưu ý rằng đó là một lời đề nghị. Và lời đề nghị thì khác với yêu cầu ở chỗ là mình nói ra điều mình muốn nhưng không đòi hỏi họ nhất định phải làm mà cởi mở với việc họ từ chối và cùng nhau tìm ra một giải pháp phù hợp với cả 2 bên.

Mình có thể nói rõ với họ điều này, “Em mong anh làm điều này cho em nhưng chỉ khi anh muốn và sẵn lòng làm.” Chỉ cần bản thân mình có suy nghĩ này thì cách nói nó cũng không còn quá quan trọng. Còn nếu như bên trong mình có ý nghĩ rằng anh phải làm điều này cho em nếu không thì em sẽ thế này, em sẽ thế kia, khi đó lời mình nói đã trở thành yêu cầu.

Không chỉ là cách nói lời đề nghị, mà đặc biệt là cách mình đối xử với họ khi họ từ chối sẽ cho họ thấy rằng chúng ta đơn giản là đưa ra một đề nghị hay đang ép buộc họ phải làm.

Nếu như có bất kỳ sự trừng phạt hay trách móc nào từ phía bạn khi họ đã không làm như những gì bạn muốn thì khi đó sẽ rất khó để họ tin rằng bạn đang đưa ra một lời đề nghị. Họ sẽ không còn có được niềm vui từ việc được cho đi, được làm cho chúng ta hạnh phúc nữa.

Và khi đã nghe lời đề nghị đó thành một câu mệnh lệnh chỉ có thể hai trường hợp xảy ra hoặc họ tuân theo không vui vẻ hoặc họ kháng cự và rời xa.

không phải chúng ta nói với giọng điệu dễ thương như thế nào mà chính là cách chúng ta sẽ làm sau khi người ta không thực hiện theo điều chúng ta muốn mới là quan trọng.

Trân trọng và biết ơn khi họ làm điều gì khiến chúng ta hạnh phúc

Và điều cuối cùng là hãy luôn trân trọng và biết ơn họ khi họ làm điều gì đó cho mình dù là nhỏ nhất.

Những điều này sẽ làm được rất tự nhiên khi mình hiểu rằng không có gì là trách nhiệm của họ cả.

Mà đúng là như thế, không ai có trách nhiệm phải làm gì cho chúng ta, kể cả bố mẹ. Chúng ta và người mà chúng ta yêu về về cơ bản sinh ra ko có gì ràng buộc với nhau, ban đầu vốn là 2 người xa lạ va vào đời nhau. Khi họ yêu mình, đó là lựa chọn của họ nên mình thực sự rất biết ơn nếu như họ muốn làm những điều tốt đẹp cho mình, họ muốn làm mình vui và muốn mang cho mình hạnh phúc.

Tổng kết lại podcast tuần này là tiếp nối tuần trước với những cách nói ra nhu cầu, chỉ nói ra nhu cầu của bản thân mà không đưa người khác vào. Hãy chia sẻ điều bạn muốn một cách rõ ràng và cụ thể với đối phương, chứ không phải là tập trung vào những điều bạn không muốn.

Tiếp theo là khi nói lời đề nghị hãy cụ thể hành động bạn muốn là gì, và quan trọng nhất khi đưa ra lời đề nghị đó là mình nói ra điều mình muốn nhưng không đòi hỏi họ nhất định phải làm mà thoải mái, cởi mở với việc họ từ chối. Hãy giữ tư duy rằng họ làm cũng được, không làm cũng không sao nhưng nếu họ muốn làm mình hạnh phúc hãy luôn biết ơn và trân trọng điều đó cho dù là hành động nhỏ nhất.

Podcast tuần này kết thúc ở đây, hẹn gặp các bạn lại ở podcast tuần sau với chủ đề “Cảm thông và lắng nghe”. Chúc các bạn luôn có được những mối quan hệ hòa hợp trong cuộc sống.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top