thể hiện nhu cầu

[#15.Podcast] Giao tiếp kết nối trái tim – [P2] Cách thể hiện nhu cầu


Kênh Podcast – Hạnh phúc tròn xoe có mặt trên SpotifyApple Podcasts

Trong series ngôn ngữ kết nối trái tim, podcast tuần trước chúng ta đã đi qua bước đầu tiên là Cách nói ra quan sát và cảm nhận, ở podcast tuần này chúng ta sẽ đến với bước thứ 2 đó là “Cách thể hiện nhu cầu của bản thân”.

Trong một hoàn cảnh không như bạn mong muốn, hoặc nghe người kia nói một câu không hay với bạn thì hẳn là bạn sẽ có những cảm xúc không tốt. Thay vì ngay lập tức xả ra những lời không mấy dễ chịu cho bõ tức thì hãy thử cách nói ra những quan sát của bạn như trong podcast tuần trước mình đã chia sẻ nhé.

Đằng sau mọi cảm xúc đều có một nhu cầu nhất định

Tiếp theo đó, việc đầu tiên cần làm đó là không quy trách nhiệm về cảm xúc của mình cho người khác

Có phải chúng ta khi bực bội thường hay nói những câu như “anh làm tôi thấy phát điên lên, anh làm cho tôi đau khổ” nhưng thực ra không ai có thể tạo ra cảm xúc bên trong bạn cả, mà gốc rễ của những cảm xúc bên trong mỗi người chính là những nhu cầu.

Bạn thấy bực mình khi thấy anh ấy dành nhiều thời gian cho bạn bè, cho game vì bên trong bạn có nhu cầu được quan tâm được chia sẻ.

Bạn tức giận vì anh ấy đã không nói gì khi bạn bị người khác chê bai bay bắt nạt vì bạn có nhu cầu được bảo vệ.

Đằng sau mọi cảm xúc đều có một nhu cầu nhất định, thế nhưng thay vì kết nối trực tiếp với nhu cầu của mình thì chúng ta lại thường đổ lỗi và sử dụng những ngôn từ gây sát thương với đối phương.

Mọi cảm xúc như sự tức giận, tuyệt vọng, xấu hổ, và rất nhiều các cảm xúc khác, tất cả chúng đều rất có giá trị, nó chính là 1 thông điệp để nhắc nhở chúng ta hãy dừng lại, quan sát xem sâu thẳm bên trong mình đang có nhu cầu gì.

Phân biệt nhu cầu và ý muốn

Để phân biệt giữa nhu cầu và ý muốn thì có một sự khác biệt lớn, nhu cầu không chứa đựng việc phải có một cách cụ thể, một đối tượng cụ thể nào đó để làm thỏa mãn nhu cầu ấy, nó hoàn toàn là sự cảm nhận bằng trái tim và cảm xúc.

Còn ý muốn thì khác, hàm chứa bên trong đó là sự mong cầu, là việc chúng ta dùng đầu để suy nghĩ và nó thường hướng tới sự đòi hỏi ở người khác hơn là tập trung vào cảm nhận của chính mình.

Từ khi lớn lên cho tới khi trưởng thành chúng ta vốn vẫn luôn bị đặt vào sự ép buộc phải thực hiện theo ý muốn của người khác nếu không sẽ bị phạt.

Ví dụ như “nếu con không nghe lời thì bố mẹ không yêu con”, “nếu em không dừng làm việc riêng thì cô sẽ hạ hạnh kiểm” “nếu anh không về nhà đúng giờ thì tốt nhất là đừng về nữa”

Việc bị ép buộc phải làm theo ý muốn của người khác có thể ban đầu một người sẽ thấy bình thường, đôi phần vì thói quen bị giáo dục từ nhỏ, nhưng dần dần thì cảm giác muốn chống đối và phản kháng sẽ xuất hiện một cách có ý thức hoặc vô thức.

Còn ngược lại, việc nói ra nhu cầu và cảm xúc là cách chúng ta kết nối với trái tim người khác, một cách tự nhiên nhất điều đó sẽ làm gia tăng sự sẵn lòng cho đi của người ấy đối với chúng ta, và họ thực sự vui với điều đó chứ không phải sự ép buộc.

Khi hướng sự chú ý của người khác hoàn toàn vào những nhu cầu của chúng ta mà không có một ý muốn nào trong đó thì họ sẽ không nghe thấy sự chỉ trích hay ép buộc nào cả, họ sẽ tự nhiên tận hưởng sự cho đi.

Nhưng nếu như trong lời nói của chúng ta có sự chỉ trích hay ép buộc nào đó thì tự chúng ta sẽ đánh mất sự kết nối và khát khao cho đi tự nhiên của họ, và lúc đó họ trở nên phòng thủ và dễ có xu hướng tấn công trở lại.

Do đó hãy học ngôn ngữ của nhu cầu

Một bài tập nho nhỏ bạn có thể thực hành cho phần này nhé

Hãy tưởng tượng bạn nói với chuyện với người kia và bày tỏ lý do khiến bạn cảm thấy như thế

Và bạn hãy thực hành sử dụng mẫu câu:

Khi bạn làm điều A này tôi cảm thấy…. tôi có nhu cầu….

Ví dụ như: “khi anh về muộn mà không nhắn tin em thấy rất lo lắng, em muốn có cảm giác an toàn.”

Hiểu chính xác nhu cầu của bản thân

Để có thể đưa ra được lời đề nghị đáp ứng được đúng nhu cầu, thì trước tiên chúng ta cần phải biết chính xác nhu cầu bên trong của mình là gì. Vốn dĩ thì những nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người trên thế giới này đều giống nhau, cái khác nhau chỉ là những điều chúng ta kì vọng để đáp ứng cho nhu cầu đó mà thôi.

Việc nhận diện nhu cầu ban đầu có thể chưa dễ, nhưng hãy cứ bắt đầu thử với những điều bạn cảm thấy.

Trong ví dụ về trường hợp bạn trở về nhà sau ngày dài làm việc mệt mỏi thấy nhà cửa bừa bộn, bát đũa chưa rửa, bạn cảm thấy bực bội khó chịu nhưng nhu cầu thực sự đằng sau sự khó chịu đó là gì? Là bạn có muốn được cảm thấy thư giãn trong khi ở trong một không gian sạch sẽ có phải không? Nếu bạn nghĩ đó là nhu cầu của bạn thì hãy thử nói điều đó ra kèm với một lời đề nghị giúp đỡ xem sao “Em cảm thấy rất thư thái trong một không gian gọn gàng, anh dọn chỗ bát kia giúp em nhé”

Tuy nhiên nếu sau khi nhà cửa đã gọn gàng bạn vẫn không thấy thoải mái thì lúc í bạn sẽ hiểu rằng thực ra đó không phải nhu cầu thực sự của bạn, mà có thể cái bạn cần không phải là anh ấy đi rửa bát hay dọn dẹp mà là nhu cầu được quan tâm, và sự quan tâm đó thể hiện qua việc anh ấy luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ bạn trong mọi công việc.

Chúng ta sẽ không bao giờ thực sự biết được điều chúng ta muốn là gì cho đến khi mà chúng ta được trải nghiệm nó

Nếu sau khi có được điều mà mình nghĩ là nhu cầu nhưng vẫn không cảm thấy vui vẻ gì thì chúng ta biết rằng đó không phải chính xác là nhu cầu của mình. Còn nếu nó làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn thì nói đúng là điều chúng ta muốn.

Cuộc sống thú vị ở chỗ bạn sẽ không bao giờ biết điều mình muốn là gì cho đến khi bạn có được hoặc đánh mất nó, và đó chính là cách chúng ta học hỏi và trưởng thành trong cuộc sống này.

Qua podcast tuần này, hẳn là bạn đã nhận ra được hóa ra đằng sau tất cả sự khó chịu của mình đều là vì có 1 nhu cầu nào đó không được thỏa mãn, nên thay vì việc tập trung vào giải quyết cái bề mặt và đổ lỗi cho người khác đã gây ra sự khó chịu cho mình thì hãy tìm xem nhu cầu thực sự của bản thân trong hoàn cảnh đó là gì. Mà để hiểu thì chỉ có cách duy nhất là hãy thử nói ra và cảm nhận, bạn vui vẻ thỏa mãn thì đó là nhu cầu thực sự, bạn được đáp ứng mà không vui thì tức là sâu bên trong bạn có nhu cầu khác.

Hãy luôn lưu ý rằng nhu cầu thì xuất phát từ bên trong chính mình, khác với ý muốn đó là trong câu thể hiện nhu cầu hoàn toàn không có điều kiện và không ép buộc người khác phải làm điều gì đó. Họ làm cũng được, không làm cũng chẳng sao vì đó là nhu cầu của riêng bạn.

Hẹn gặp lại ở podcast tuần sau với chủ đề “Cách để đề nghị người khác làm điều gì đó cho mình mà không khiến họ cảm thấy bị ép buộc”. Nhưng trước hết thì trong tuần này các bạn hãy nhớ luyện tập nhận diện nhu cầu đã nhé.

Chúc các bạn luôn có được những mối quan hệ hòa hợp trong cuộc sống.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top