Phần lớn các mâu thuẫn trong gia đình, trong công việc, các mối quan hệ xã hội của chúng ta đều đến từ cách chúng ta sử dụng ngôn từ trong giao tiếp. Vậy phải nói như thế nào để không những khiến người khác hiểu đúng mà còn kết nối sâu sắc hơn nữa với chúng ta? Trong tuần này và một vài tuần tới, mình sẽ mang đến cho các bạn một series về giao tiếp kết nối trái tim. Mình tin rằng nó sẽ giúp bạn có được những mối quan hệ hòa hợp hơn.
Hãy tưởng tượng 1 tình huống bạn trở về nhà sau ngày dài mệt mỏi và trông thấy nhà cửa bừa bộn trong khi bạn cùng phòng, hay vợ hoặc chồng bạn đang ngồi rảnh rỗi.
Bạn sẽ nói gì trong tình huống đó? Các anh chồng thì hẳn nhiều người sẽ nóng mặt lên và bắt đầu cáu gắt “Tại sao em suốt ngày để nhà cửa bừa bộn như vậy, em có biết anh đi làm về rất mệt mỏi không, cả ngày em ở nhà chả làm được việc gì cả”.
Hay những cô vợ thì có thể sẽ không quát lên nhưng mặt đầy hậm hực, ném túi xách xuống thật mạnh rồi tự đi dọn dẹp, đá cái nồi, đập cái bát, vừa làm trong sự khó chịu vừa cằn nhằn không ngớt như “Anh chả bao giờ biết giúp đỡ vợ con, chỉ chơi game tối ngày”, và nhắc đi nhắc lại điều đó suốt từ 6h chiều hôm trước đến 10h đêm hôm sau.
Hoặc cũng có khi là chán chả muốn nói, tự đi làm hết mọi thứ không nhờ vả gì nữa, kéo theo đó là một sự im lặng kéo dài đẩy 2 người ra xa nhau thêm 1 chút, nhiều lần như thế mối quan hệ dần trở nên lạnh nhạt mà cả hai chẳng hiểu tại sao.
Đó là một lỗi giao tiếp rất phổ biến và thường xuyên được nhìn thấy trong các gia đình, và đó cũng là nguyên nhân chính gây ra mâu thuẫn giữa các cặp đôi.
“Ngôn ngữ là nguồn gốc mọi hiểu lầm” – 1 câu trong truyện hoàng tử bé, mình thấy câu này luôn đúng.
Tại sao chỉ đơn giản là việc chúng ta thích sống trong một không gian gọn gàng mà không thể chia sẻ ra với nhau 1 cách đơn giản như thế mà phải dùng bao nhiêu là lời phàn nàn rồi sự suy đoán không chính xác để làm cho nhau căng thẳng?
Biết đâu đấy họ cũng mới về nhà, họ mới có chuyện không vui nên đang bận tâm với suy nghĩ riêng, hoặc biết đâu hôm nay họ mệt quá cần một chút thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
“Nếu có thể nói ra ra những điều xuất phát từ trái tim mà không phán xét, không suy diễn, nói ra bằng những cảm xúc vẹn nguyên nhất thì hẳn sẽ không có mâu thuẫn nào xảy ra, và chúng ta sẽ luôn có được những mối quan hệ tuyệt vời, sự kết nối sâu sắc với những người xung quanh “
Vậy cách nói và giao tiếp như thế nào mới là cách nói kết nối?
Chỉ nói ra quan sát và cảm nhận của bản thân mà thôi chúng ta sẽ dễ dàng kết nối trong giao tiếp
Điều đầu tiên bạn nên luôn nghi nhớ đó là hãy nói và chỉ nói ra quan sát và cảm nhận của bản thân mà thôi.
Bạn nhìn thấy điều gì trong một căn phòng bừa bộn? Bạn cảm thấy như thế nào? Bạn muốn điều gì?
Đó là 3 câu hỏi bạn hãy đặt ra cho mình trước khi bắt đầu chia sẻ hay nói chuyện với người kia
Ví dụ bạn có thể nói với chồng mình rằng:
“Anh ơi, em thấy bát đũa để từ sáng chưa rửa, quần áo của anh trên ghế kìa, nay em cảm thấy hơi mệt, em bị áp lực công việc nhiều quá, em muốn được nghỉ một chút trước khi nấu cơm, anh dọn giúp em nhé”.
Đó là 3 câu nói trả lời cho 3 câu hỏi rằng: bạn thấy điều gì, bạn cảm thấy thế nào và điều bạn muốn là gì. Đơn giản nó chỉ là việc làm rõ sự quan sát của bạn, cảm xúc của bạn mà không có bất kỳ lời phán xét nào trong đó.
Nó rất khác với một câu “Anh chả bao giờ chịu làm gì cả, nhà cửa thì bừa bộn, về là vất quần áo ra đấy, em có phải osin của anh đâu mà suốt ngày đi dọn dẹp, em cũng phải đi làm đây này”.
Ôi!! Những câu tương tự thế này mình nghe thấy quá nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
Bạn có nhận thấy những lỗi sai gì trong câu trên không? Thứ nhất là bạn đang sử dụng những cụm từ như “chả bao giờ”, “suốt ngày”, đó là những câu quy kết.
Hãy nghĩ lại coi, có khi anh ấy giúp đỡ bạn đến 70% số ngày trong tuần, chỉ có 30% còn lại là không làm gì cả, nhưng khi bạn sử dụng những cụm từ quy kết thì đấy là cách bạn phủ nhận sạch trơn mọi công sức và sự cố gắng của họ. Điều đó tổn hại đến sự tự tôn của người đàn ông và khiến họ sẽ buông xuôi, thôi chả làm nữa vì cảm giác không được ghi nhận.
Lỗi sai thứ 2 trong cách giao tiếp ở câu trên đó là sự suy đoán, có thể họ muốn giúp bạn lắm nhưng họ cũng đang mệt chứ họ không coi mình là osin đâu ấy, ai cũng muốn lấy một cô vợ xinh đẹp một anh chồng phong độ để chia sẻ cuộc sống, để làm cho nhau hạnh phúc chứ nào có ai muốn lấy về rồi cho nhau ăn hành đâu phải không. Nên đừng suy diễn nhé, mọi sự suy diễn trong tâm trí đều không có thật và nó khiến cho bản thân mình đau khổ đầu tiên.
Tập trung vào hành động thay vì con người
Điều thứ 2 là hãy nói ra những điều mình quan sát nhưng tập trung vào hành động, sự việc, lời nói đó khiến mình cảm thấy như thế nào, chứ không phải người đấy.
Bạn có nhận ra sự khác biệt không? Để mình lấy ví dụ nhé.
Ví dụ như anh ấy không nói gì mà tự ý quyết một việc ảnh hưởng đến bạn, khiến bạn không thích.
Thay vì nói “Anh không tôn trọng tôi chút nào”, thì hãy nói với anh ấy rằng “Việc không được biết trước thông tin khiến cho em cảm thấy không được tôn trọng, em muốn trong những lần sau thì cả hai nên chia sẻ với nhau trước khi đưa ra quyết định”
Hãy tập trung vào sự việc và hành động chứ không phải con người, không phải anh ấy không tôn trọng bạn mà chỉ là hành động cụ thể đó khiến cho bạn cảm thấy mình không được tôn trọng.
Hai đối tượng đó hoàn toàn khác nhau nha, và 2 cách nói ấy cũng mang lại cảm giác rất khác về phía bạn là người nói cũng như người tiếp nhận câu nói của bạn.
Bạn hãy thử xem sao nhé, hiệu quả mang lại sẽ rất khác biệt đó, điều này đã được kiểm chứng bởi bản thân mình và những cô bạn của mình, sau khi áp dụng thử thì các bạn có nhắn mình rằng về nhà thay đổi cách nói chuyện bỗng dưng thấy anh chồng vui vẻ giúp đỡ việc nhà hơn hẳn.
Nếu chưa có cơ hội thử nghiệm ngay thì có 1 bài tập Thực hành- Quan sát nho nhỏ trước khi kết thúc podcast ngày hôm nay các bạn thử xem sao nhé.
Bạn hãy nghĩ về một người đã hành xử khiến cho bạn cảm thấy phát điên, hãy nghĩ về người đó và trả lời câu hỏi sau:
- Câu 1: Hãy nghĩ về một hành động, lời nói của người đó làm cho bạn không thích và viết ra mô tả cụ thể về hành động, lời nói hay hoàn cảnh đó
- Câu 2: Bạn hãy viết ra bạn cảm thấy như thế nào khi nghe câu nói đó hay ở trong hoàn cảnh ấy
- Câu 3: bạn muốn điều gì và khi bạn chia sẻ điều bạn muốn với người đó thì bạn sẽ nói như thế nào
Hãy thử thực hành viết xuống 3 câu này xem sao nhé, chắc chắn giúp bạn thay đổi mối quan hệ với tất cả mọi người xung quanh đó.
Trong podast tuần này chúng ta vừa đi qua cách để nói ra quan sát và cảm nhận. Tiếp nối trong series về Giao tiếp kết nối trái tim này thì hẹn gặp các bạn ở podcast tuần sau với nội dung “Cách thể hiện nhu cầu” nha
Chúc các bạn luôn có được những mối quan hệ hòa hợp trong cuộc sống.