tiêu cực

[#19.Podcast] Làm sao để tâm an giữa một thế giới tập trung vào tiêu cực


Kênh Podcast – Hạnh phúc tròn xoe có mặt trên SpotifyApple Podcasts

Một trong những thách thức lớn nhất để duy trì sự tích cực là chúng ta đang sống trong một thế giới tập trung vào sự tiêu cực.

Hàng ngày chúng ta tiếp nhận biết bao nhiêu là nguồn thông tin cả chủ động lẫn thụ động từ mạng xã hội, các trang báo lá cải giật tít câu view, tin đồn ở văn phòng, những câu chuyện từ mọi người xung quanh, hầu hết chúng đều chứa đầy những sự kiện xấu và những lời phàn nàn.

Nhiều người trong chúng ta thường rất dễ bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực như thế, như nghe thông tin về covid thì thấy hoảng loạn dẫn đến sự đề phòng quá mức được khuyến cáo, xem một bộ phim với nhân vật phản diện thì tức tối, chỉ trích diễn viên.

Khi đọc tin tức về nhóm người ăn chặn từ thiện thì lên án họ một cách gay gắt ngay cả khi chưa có bằng chứng nào cụ thể. Hay hành động tấn công trên các trang fanpage, facebook cá nhân của antifan… Sự tức tối của một cộng đồng, một nhóm người không hẳn vì họ muốn gây hại cho ai, mà nó đến từ hiệu ứng tâm lý confirmation bias còn gọi là thiên kiến xác nhận.

Thiên kiến xác nhận – confirmation bias

Đây là một khuynh hướng khi mà con người ta một cách vô thức chọn lọc để chỉ tiếp nhận những thông tin nào củng cố cho niềm tin và giả thiết sẵn có của họ mà từ chối các góc nhìn khác, hoặc diễn giải những bằng chứng không rõ ràng theo cách ủng hộ lập trường của chính mình.

Thiên kiến xác nhận có trong tất cả chúng ta và nó ảnh hưởng tới quyết định cũng như cảm xúc của chúng ta mỗi ngày. Tuy nhiên thì khi có thêm 1 vài người bạn, hoặc tham gia một cộng đồng mà người ta có cùng quan điểm đó thì thiên kiến xác nhận này càng mạnh mẽ, nó là sự tác động của hiệu ứng đám đông.

Khi niềm tin vào những điều tiêu cực càng mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc những cảm xúc như giận dữ, bất bình, phẫn nộ, lo lắng của chúng ta sẽ càng được đẩy lên cao, nó khiến một số người có những phản ứng quá khích và cực đoan hoặc không thì cũng sống trong sự bất an.

Cảm xúc là một thứ không dễ kiểm soát, để tâm an giữa một thế giới đầy những tin tức tiêu cực như vậy thì điều chúng ta có thể làm là nên tránh xa các tác nhân gây tiêu cực.

Các tác nhân gây tiêu cực

Các thông tin không chính thống

Một là các thông tin không chính thống, chưa được xác nhận, chưa được chứng minh. Với những thông tin chưa xác thực chúng ta dễ bị rơi vào thiên kiến xác nhận để tìm kiếm những thông tin thiên vị, diễn giải thiên vị, thậm chí não của chúng ta có xu hướng ghi nhớ thiên vị tức là chỉ nhớ những gì củng cố cho niềm tin của mình và lãng quên đi những thông tin được coi là không quan trọng khác.

Để tránh sai lầm này thì chúng ta nên có suy nghĩ trung tập, và nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, phân tích một cách lý trí, dựa trên bằng chứng xác thực chứ không nên kết luận vội vã về vấn đề nào đó.

Báo mạng

Tác nhân thứ 2 là báo mạng, một ngày lướt qua các trang tin tức dành cho giới trẻ có quá nhiều những nội dung như thảm họa, những vụ tai tiếng, những kẻ bất nhân.

Bản thân mình thấy không nên tiếp nhận những nội dung đó quá nhiều, nó khiến chúng ta có cái nhìn thiên lệch về xã hội. Cuộc sống này còn quá nhiều điều tốt đẹp, rất nhiều gia đình hạnh phúc, phần lớn là những con người lương thiện, nhưng lướt trên các trang báo 1 ngày lại cảm thấy 90% sự kiện xảy ra trong ngày là tồi tệ và nặng nề.

Tại sao báo chí thích viết về những điều đó là bởi chúng là những tin ăn khách, chúng ta có xu hướng bị cuốn hút bởi những thông tin như vậy, mà bản thân không nhận ra, còn những người viết nội dung lại nắm bắt tâm lý đó rất tốt nên họ tập trung truyền thông, kết hợp kĩ thuật giật tít câu view.

Vậy bạn có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách hạn chế tiếp nhận những thông tin tiêu cực từ báo mạng. Việc tránh đọc những tin tức tiêu cực không có nghĩa là chúng ta sống ích kỉ, không quan tâm đến xã hội, không quan tâm đến những mảnh đời khác, mà bạn hãy nghĩ rằng chỉ cần bạn sống như một cái cây vô cùng bình tĩnh trước sóng gió, chỉ cần là một cái cây khỏe mạnh, vững vàng thì những người xung quanh cũng được hưởng bóng mát của nó.

Một xã hội sẽ hòa bình khi mà mọi người dân đều có tâm tính bình an chứ không phải là mang trong mình sự thù hằn và phẫn nộ.

Những người tiêu cực ở xung quanh

Tác nhân gây tiêu cực thứ 3 chính là những người tiêu cực ở xung quanh chúng ta, họ là một nguồn thông tin thụ động nhưng lại có tác động mạnh mẽ đến cảm xúc và niềm tin của mình.

Khi ở cạnh những người tiêu cực, luôn nói những câu chuyện tiêu cực, thì não sẽ tiếp nhận thông tin một cách vô thức, mà đã là thông tin vô thức thì chúng ta không có khả năng sàng lọc hay lựa chọn.

Sự tiêu cực cũng có tính lây lan, bạn đã bao giờ ở chung với một nhóm bạn luôn nói xấu một người nào đó rồi khi nhìn thấy người đó bạn cũng bỗng nhiên thấy họ không tốt đẹp gì cả.

Hoặc vài người xung quanh bạn ca thán về cuộc đời và bạn bỗng thấy đời mình cũng chán nản.

Do đó hãy tách mình ra khỏi một môi trường xấu, làm bạn với những con người tích cực bạn sẽ thấy cuộc sống thay đổi. Hãy chọn công ty, một mội trường làm việc cùng những người vui vẻ, có động lực, bạn sẽ không thể không hòa mình vào sự tích cực đó!

Biết ơn nhiều hơn

Và cuối cùng, ngoài việc tránh những tác nhân gây tiêu cực cũng như hòa mình vào một môi trường giúp chúng ta có được những cảm xúc tốt thì hãy biết ơn nhiều hơn.

Biết ơn vì chúng ta được sinh ra để trải nghiệm cuộc sống, biết ơn gia đình những người luôn yêu thương và chờ đón ta trở về, biết ơn các cơ hội mà cuộc sống trao tặng, những người bạn tốt và cả những người không tốt với mình vì họ đến để giúp mình nhận ra một điều gì đó.

Hãy luôn suy nghĩ về những điều bạn cảm thấy biết ơn, liệt kê chúng ra mỗi ngày vào đầu buổi sáng thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, từ những điều nhỏ nhặt nhất đến những điều quan trọng hơn. Khi tập trung vào biết ơn bạn sẽ thấy những điều tích cực được mở rộng trong cuộc sống của mình.

Chúc các cuộc sống chúng ta luôn tràn ngập những điều tích cực, hẹn mọi người ở podcast tuần tiếp theo.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top