nhu cầu được yêu thương

[#5.Podcast] Khi nhu cầu được yêu thương biến thành sự thiếu thốn tình cảm


Kênh Podcast – Hạnh phúc tròn xoe có mặt trên SpotifyApple Podcasts

Chủ đề ngày hôm nay chúng mình muốn được mang đến cho bạn đó là “Khi nhu cầu được yêu thương biến thành sự thiếu thốn tình cảm”.

Muốn được yêu thương là nhu cầu chính đáng

Có một chuyện là:

Hồi nhỏ mình thích ốm lắm vì mỗi lần ốm thì lại được bố mẹ hết mực quan tâm, lo lắng. Bố thường chuẩn bị 1 chậu nước ấm với khăn mặt, ngồi cạnh giường hàng giờ để đắp khăn lên trán cho mình hạ sốt, lại pha nước chanh cho uống, hay kê giấy dưới nền nhà để mình bước lên cho đỡ lạnh.

Rồi vẫn là hồi bé tí, nhiều hôm trời mưa, mình trốn ra ngoài ngồi nghịch nước mưa, ngoài chuyện là mình thích cảm giác se se mát những ngày như thế, thích cảm giác của những giọt nước mưa nhỏ vào da, thích mùi nồng nồng của đất bốc lên sau cơn mưa, thì mình ngồi hứng nước còn để được ốm.

Lớn lên mình mới hiểu tại sao mình hành xử như vậy. Là vì sâu thẳm bên trong, mình luôn khao khát được yêu thương, vỗ về và che chở. Việc cố làm cho bản thân bị ốm, nhiều khi là để giành sự chú ý và quan tâm từ bố mẹ.

Bạn thử nhớ lại xem, hồi bé có bao giờ bạn cũng có những trò mèo tương tự để thu hút sự chú ý của ba mẹ không, hay thậm chí lớn lên rồi có bao giờ bạn phải cố gắng làm điều gì đó đôi khi là tổn hại đến chính bản thân mình để thu hút sự chú ý của người khác, đặc biệt là những người bạn yêu thương không?

Thực ra nhu cầu được yêu thương là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Nó vốn là 1 bản năng sinh tồn của con người. Từ thời nguyên thủy con người sống theo bầy đàn, không có bầy đàn thì cá nhân không tồn tại, chúng ta có xu hướng cần sự yêu thương, bảo vệ của cộng đồng những người xung quanh.

Tâm lý và cách hành xử lệch lạc đến từ những tổn thương không nhận ra

Từ khi nào thì nhu cầu được yêu thương biến thành một tâm lý và cách hành xử lệch lạc?

Đó thường là từ khi còn nhỏ, ngày xưa trẻ con hay phải nghe những câu như  “con mà không ngoan thì bố mẹ không yêu con nữa đâu”, “hư là đem đi đổi lấy em bé khác đấy” hay “bố mẹ có em bé rồi, cháu bị ra rìa kìa” hoặc có khi là bị trừng phạt bằng cách bỏ lơ cho khóc chán thì phải tự nín.

Đối với 1 đứa trẻ đó không phải 1 câu nói, một hành động đơn thuần, nó sẽ tạo ra một tổn thương rất lớn mà đứa bé mang theo suốt cuộc đời, tùy theo những trải nghiệm tiếp theo trong cuộc sống mà sự tổn thương đó có thể chỉ gây ảnh hưởng nhỏ, đứa trẻ dần quên đi.

Hoặc cũng có thể nó hằn sâu vào niềm tin trong tiềm thức của đứa bé rằng nó không được yêu thương, nó bị bỏ rơi, rồi đâu đấy, thêm một vài trải nghiệm hay biến cố tương tự trong cuộc sống xảy ra khiến nó lớn lên với sự cô đơn, trống rỗng và luôn cảm thấy thiếu thốn, cần được lấp đầy bởi tình yêu và sự quan tâm của người khác.

 

Chúng ta ai cũng sẽ có những câu chuyện tương tự, có thể không rơi vào tình cảnh phải nghe những câu nói đầy tính sát thương đến từ sự thiếu hiểu biết về tâm lý của một vài người lớn, mà có thể nó đến từ những trải nghiệm khác, nhưng hãy hiểu rằng khi còn bé chúng ta rất mong manh, mọi nỗi đau được khắc ghi vào lúc nhỏ cũng tạo thành 1 sang chấn gây ra những lệch lạc trong tâm lý và trong cách hành xử của chúng ta lúc trưởng thành.

Khi có cảm giác thiếu thốn tình cảm ở bên trong, chúng ta sẽ luôn có xu hướng đi tìm kiếm điều đó ở bên ngoài.

Rồi đến khi bắt đầu một mối quan hệ, càng là mối quan hệ mang tính thân mật cao, ta càng khó kiểm soát nhu cầu đòi hỏi yêu thương từ đối phương mà vô tình áp đặt lên họ những gánh nặng khủng khiếp.

 

Khi không được đáp ứng thường sẽ sinh ra 2 xu hướng: một là lúc nào cũng đòi hỏi sự quan tâm, luôn sợ mất nên đâm ra kiểm soát, hoặc xu hướng thứ 2 là khụy lụy đối phương một cách quá mức.

Thiếu thốn tình cảm dẫn đến sự đòi hỏi, kiểm soát

Cả 2 xu hướng này đều có ở những người luôn có cảm giác thiếu thốn tình cảm, trường hợp thứ nhất thường xảy ra với những người mà tuổi thơ là những đứa trẻ cô đơn, khi còn bé thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ, trò chuyện của cha mẹ, hoặc gia đình không trọn vẹn, cha mẹ ly hôn.

Khi lớn lên sẽ có xu hướng tìm một người thật chiều họ, không được phép bỏ rơi họ, lúc nào cũng trong tâm thế sợ mất người đó nên đâm ra kiểm soát, và khi cảm thấy không an toàn trong mối quan hệ. Có thể họ sẽ thể hiện qua các hành động cực đoan như đe dọa, gào thét, trách móc, nghi ngờ, ghen tuông.

Thiếu thốn tình cảm dẫn đến sự khụy lụy, hi sinh

Dạng thứ 2 là những đứa trẻ ngoan, nghe lời, học hành chăm chỉ, khi còn bé thì luôn muốn làm vui lòng ông bà cha mẹ, là con ngoan trò giỏi trong mắt gia đình thầy cô, là người luôn nhường nhịn bạn bè.

Ở một khía cạnh tiêu cực thì những đứa trẻ này luôn phải cố làm hài lòng người khác để có được sự công nhận như một cách sinh tồn. Trong chuyện tình cảm những người này sẽ có xu hướng quá khụy lụy, hi sinh hết mình vì người yêu, làm bất cứ điều gì để đáp ứng người kia, để mong ngóng nhận được sự yêu thương, vỗ về, an ủi từ phía họ, thậm chí đeo bám cho dù bị trà đạp mà lờ đi cảm xúc của chính mình.

 

Cả 2 dạng này đều là biểu hiện của mong muốn được yêu thương nhưng đến từ sự tổn thương chứ không còn là 1 nhu cầu đơn thuần.

Nếu bạn rơi vào 1 trong 2 trường hợp trên thì hãy nhận diện để biết rằng mình đang có một trạng thái tâm lý chưa khỏe mạnh. Bản chất vấn đề là khi bạn thấy thiếu thốn từ bên trong thì cho dù người khác có đáp ứng bao nhiêu bạn cũng ko bao giờ thấy thế là đủ. Có được sự quan tâm rồi bạn sẽ lại đòi hỏi thêm, bạn sẽ luôn phải cố gắng làm rất nhiều việc trong sự bất an để giữ cho mối quan hệ như bạn kì vọng.

 

Vậy nên, nếu có thể, hãy quay về làm việc với bản thân mình trước. Bạn mong cầu điều gì từ người khác thì hãy tự làm điều đó cho chính mình, quan tâm đến mình nhiều hơn. Hãy coi bản thân mình là đứa bé bị tổn thương đó, tự hỏi nó xem nó cần gì, ôm ấp, vỗ về, trò chuyện để hiểu bản thân hơn. Rồi dần dần tình yêu bản thân sẽ lấp đầy những khoảng trống bên trong bạn.

Nếu sự yêu thương bên trong đủ đầy, ta sẽ dễ dàng bao dung, chấp nhận và trao đi yêu thương cho người khác nhiều hơn. Khi cho đi nhiều hơn, tự khắc bên trong ta sẽ dần tìm lại được sự vui vẻ và thanh thản.

 

Về cách làm việc với bản thân để lấp đầy sự thiếu thốn mình sẽ mang đến cho các bạn ở một podcast khác nha.

Hi vọng với Podcast hôm nay các bạn đã nhận diện được những trạng thái bất thường của nhu cầu muốn được yêu thương để tự mình thoát ra khỏi những cách hành xử không mang lại hạnh phúc đó.

Hãy ghé qua blog hanhphuctronxoe.com của chúng mình để cập nhật thêm những bài viết khác nhé

Nếu bạn yêu thích nội dung này, đừng quên chia sẻ với những người bạn gái yêu thương của mình nha. Mình luôn ở đây đồng hành cùng các bạn để chúng ta có cuộc sống cân bằng, hạnh phúc hơn. Rất mong nhận được sự phản hồi của các bạn để những podcast tiếp theo sẽ có thêm nhiều giá trị.

Chúc các bạn mỗi ngày đều tràn ngập niềm vui và tiếng cười

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top