Kết nối với trực giác

[#9.Podcast] Các cách để kết nối với trực giác


Kênh Podcast – Hạnh phúc tròn xoe có mặt trên SpotifyApple Podcasts

Ở tuần trước chúng ta đã cùng nhau đi qua 5 lợi ích tuyệt vời của trực giác đối với cuộc sống, đúng như lời hẹn thì chủ đề tiếp nối của tuần này mình sẽ chia sẻ với các bạn “Các cách để kết nối với trực giác”.

Cho dù không qua luyện tập thì một số người cũng sẽ có trực giác phát triển hơn những người khác bởi mỗi người chúng ta có hoàn cảnh sống khác nhau, có những trải nghiệm khác nhau, một người có càng nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực cụ thể thì người đó sẽ càng có khả năng quan sát và nhận thức tốt hơn về những vấn đề thuộc lĩnh vực đó.

Ví dụ bạn chưa từng làm kinh doanh thì việc bạn bắt đầu tìm kiếm một sản phẩm mới, xác định xem nó có khả năng bán chạy hay không sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với một người đã có hơn chục năm làm kinh doanh rồi, những người đó họ sẽ có một cái cảm nhận về thị trưởng rất tốt, cùng là loạt áo mới ra nhưng họ sẽ biết tại sao chọn mẫu áo này để nhập chứ không phải mẫu áo kia.

Những người có trí tuệ cảm xúc cao hơn cũng sẽ có trực giác nhạy bén hơn. Nếu bạn là một người lý trí và luôn đòi hỏi mọi thứ logic thì trước một vấn đề bạn sẽ hay lờ đi cảm giác thoáng qua, bạn chỉ tin vào những con số, những gì có thể phân tích và đánh giá được. Nhưng trực giác thì không đi theo cách đó, nó cần một sự hòa hợp hơn với cảm xúc và chú ý đến những cảm nhận của bản thân.

Nếu bạn là người có khả năng chịu đựng rủi ro thì có thể bạn cũng sẽ có một trực giác tốt bởi bạn luôn sẵn sàng thử nghiệm, chấp nhận mắc sai lầm và học hỏi qua những thất bại, dám dấn thân bước ra khỏi vùng an toàn.

Thường thì khi quá quen với một công việc, một lối sống nào đó, thì đương nhiên là mỗi khi có sự thôi thúc rằng làm một cái gì đó khác đi bạn cũng sẽ rất chần chừ và gần như không thể làm theo cái sự mách bảo đó vì nỗi sợ rủi ro

Nhưng nếu bạn chưa có sẵn trong mình những thế mạnh đó thì cũng không sao, mình sẽ bắt đầu thực hành dần dần với những thói quen nho nhỏ để kết nối với sự nhận thức bên trong nhé.

1. Tập ngồi thiền và tĩnh lặng

Chắc hẳn nếu nói với các bạn về ngồi thiền thì mọi người sẽ nghĩ đến thiền để buông bỏ, để không bám chấp vào cuộc sống, để lánh đời hay thậm chí là hướng tới niết bàn. Nhưng quan điểm của mình thì khác, chúng ta đến cuộc sống này để trải nghiệm và học những bài học cuộc đời, vì vậy đừng trốn tránh điều gì cả, cũng không nên tách mình ra khỏi xã hội, hãy dùng những phương pháp đó để hiểu bản thân hơn, thấu hiểu mọi người xung quanh hơn từ đó dễ chấp nhận mọi thứ đến với một thái độ tích cực nhất.

Chỉ có như thế thì cuộc sống của chúng ta mới thực sự dễ dàng và chúng ta mới có thể đối mặt với mọi chuyện đến rồi đi một cách nhẹ nhàng và tận hưởng cuộc sống theo đúng nghĩa.

Thiền thì giúp tâm trí bạn tĩnh lặng, để những suy nghĩ trong đầu bạn về việc hôm nay ăn gì, đợt sale sắp tới mình phải mua những gì, bla, bla để tất cả những suy nghĩ thường nhật đó lắng xuống. Qua việc tập tĩnh lặng trong thời gian dài, bạn sẽ có khả năng dừng những suy nghĩ và suy diễn lởn vởn trong đầu bất cứ lúc nào bạn muốn và nhường chỗ cho những thông điệp thực sự của trực giác tới đúng lúc bạn cần.

Cũng có thể không cần thiền mình biết có những bạn không chịu được việc ngồi không 1 chỗ quá lâu, nếu thế bạn chỉ cần tìm 1 không gian tĩnh lặng cho riêng mình, không kế hoạch, không lo lắng, bạn có thể đi dạo trong công viên hoặc ngồi không thả lỏng chẳng hạn.

2. Cảm nhận bằng năm giác quan

Tiếp theo đó, bạn hãy bắt đầu chú ý đến tất cả những gì bạn có thể nhận thấy bằng năm giác quan thông thường của mình, với mình thì đó là một cách diễn giải dễ hiểu hơn của cụm từ “sống trong hiện tại”. Nó chỉ đơn giản là việc bạn tựa lưng vào tường thì bạn cảm nhận được sự tiếp xúc với bức tường, bạn cầm vào chiếc lá bạn thấy nó mượt hay thô ráp.

Khi ngồi nói chuyện với một ai đó, bạn thực sự ở đó với họ, quan sát họ, lắng nghe từng câu họ nói thay vì lan man nghĩ xem mình sẽ kể câu chuyện gì của mình tiếp theo… Có rất nhiều ví dụ, nhưng hãy bắt đầu với việc chú ý đến mọi giác quan của bạn trong suốt cả 1 ngày nhé.

3. Ghi lại những cảm giác dai dẳng

Giờ thì khi đã có sự quan sát bản thân tốt hơn, bạn hãy bắt đầu ghi lại những cảm giác dai dẳng đến với mình.

Nhiều khi trực giác không giống như tiếng nói rõ ràng cho bạn biết phải làm gì, nó chỉ xuất hiện dưới những manh mối và cảm nhận mơ hồ như, một hình ảnh thoáng qua, một cảm giác quặn lên ở dạ dày, sự bồn chồn bất thường, một cảm giác lạnh sống lưng hay nổi da gà. Tùy vào từng người nhưng nó có thể dai dẳng bám lấy bạn hoặc chỉ thoáng qua và biến mất trong nháy mắt, bạn sẽ không biết đó là suy nghĩ hay trực giác.

Vì thế việc ghi lại tất cả những dấu hiệu này trong một tình huống cụ thể là 1 cách giúp bạn sâu chuỗi lại.

Hãy ghi lại xem Bạn đã làm gì khi cảm giác đó đến? Bạn đã có những suy nghĩ gì? Bạn đang xem xét quyết định nào? Điều gì đã xảy ra sau khi bạn cảm nhận được cảm giác đó?

Bằng cách ghi lại những dấu hiệu như vậy và phân tích những gì đã xảy ra sau đó, bạn sẽ bắt đầu có ý tưởng về những gì trực giác đang cố gắng nói với bạn. Bạn cũng sẽ hiểu rõ khi nào nên dựa vào nó và khi nào nên bỏ qua nó.

4. Tin tưởng vào những nghi ngờ của bạn

Bạn có bao giờ định bỏ tiền để đầu tư cho một cơ hội nào đó nhưng thấy bất an ngay trước khi ra quyết định? Đó có thể là trực giác đang cố gắng nói chuyện với bạn.

Tuy nhiên mình không khuyên bạn nên tránh hành động mỗi khi nghi ngờ xuất hiện trong tâm trí bạn, chỉ là nếu bạn gặp phải những nghi ngờ như vậy, bạn hãy ngưng lại một chút, dành một chút thời gian để đánh giá lại tổng thể kế hoạch và dự án của bạn, đặc biệt tập trung một lần nữa vào những điểm quan trọng nhất để xem lý do đằng sau sự nghi ngờ đó là gì, liệu có điều gì bạn đã bỏ qua hay không?

5. Để kết nối với trực giác hãy sáng tạo lên

Như đã nói ở podcast trước thì những người nghe theo trực giác thường có khả năng sáng tạo cực cao. Bạn hãy thử tham gia các hoạt động sáng tạo như vẽ tranh, thiết kế, sáng tạo nội dung và hình ảnh xem sao, ngoài tác dụng giúp cho tâm trí của bạn tĩnh lặng thì các hoạt động sáng tạo còn giúp bạn phát huy năng lực trực giác đó.

Nếu bạn băn khoăn làm thế nào để có thể sáng tạo trong khi mình có vẻ như không có khả năng, thì The artist’s way có thể là 1 cuốn sách thú vị với bạn, nội dung của nó là giúp kết nối với khả năng sáng tạo nội tại bên trong thông qua các bài thực hành cụ thể từng ngày.

6. Hãy chú ý đến những giấc mơ của bạn

Chúng ta có từ 4-7 giấc mơ mỗi tối nhưng 95-99% số đó không thể nhớ lại được. Nên khi thức giấc, giấc mơ nào bạn có thể nhớ được thì thường là những giấc mơ xuất hiện đúng thời điểm bạn sắp tỉnh dậy, hoặc biết đâu đó nó có ý nghĩa về trực giác. Thực ra thì mình cũng không biết nữa, nhưng có 1 điều là khi bạn ngủ thì tâm trí và ý thức của bạn sẽ tĩnh lại, nhường chỗ cho những nhận thức nằm sâu trong tiềm thức của bạn.

Đó có khi là những đều bạn cố gắng che giấu, phủ nhận với chính bản thân mình hoặc đơn giản là bạn thiếu nhận thức để chú ý đến nó do đó nó bị lãng quên. Ghi chép lại những giấc mơ có lẽ cũng là 1 cách hay để bạn xem lại phần vô thức của mình đó. Chứ không phải ghi chép lại để đi soi số đề đâu nhé.

Tuy nhiên đừng quá phụ thuộc vào cảm nhận, chúng ta cần kết hợp cả trực giác và sự phân tích, Chúng ta chú ý đến trực giác xem nó đang thôi thúc và mách bảo điều gì nhưng cũng hãy dừng lại một chút để suy nghĩ và đánh giá lại vấn đề, không phải bởi vì trực giác của bạn sai mà bởi vì bạn chưa chắc đã thực sự đã kết nối được đúng với trực giác của mình một cách sâu sắc.

Hi vọng chủ đề hôm nay hữu ích với các bạn, hãy thử thực hành và chia sẻ kết quả với chúng mình nhé. Để xem chủ đề tuần sau là gì nhỉ, mình cũng chưa nghĩ tới, nếu có nội dung nào muốn nghe bạn có thể comment để mình đưa vào những podcast tiếp theo nhé.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top